Trong chuyến công tác Hội An mới đây, tôi đã bắt gặp những biển báo “BÁN QUẬT CẢNH” thay vì “quất cảnh” quen thuộc. Một người bạn từ miền Tây cũng chia sẻ rằng ở quê anh, cây quất còn được gọi là cây hạnh. Trước đây, anh thường chưng cây hạnh vào dịp Tết với mong ước gia đình hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên, khi biết cây hạnh còn có tên gọi khác là cây tắc, anh đã chuyển sang chơi loại cây cảnh khác vì sợ gặp phải những điều “tắc” trong năm mới. Những câu chuyện này gợi mở về những tập quán và kiêng kỵ thú vị dựa trên chữ nghĩa trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.
Đầu tiên phải kể đến món canh khổ qua, món ăn quen thuộc của người dân miền Nam trong mâm cỗ ngày Tết. Khổ qua, với ý nghĩa “khổ” sẽ “qua”, thể hiện mong ước những điều không may sẽ qua đi, một năm mới tươi sáng hơn sẽ đến. Người Việt quan niệm rằng việc ăn khổ qua vào dịp đầu năm sẽ giúp xua tan những khó khăn, vất vả của năm cũ và đón chào một năm mới an lành, hạnh phúc.
Ngược lại, một số loại quả lại bị kiêng kỵ trong ngày Tết do tên gọi mang ý nghĩa không may mắn. Ví dụ, người miền Nam thường kiêng ăn cam vì từ “cam” (ngọt) trái nghĩa với “khổ” (đắng”, và còn mang ý nghĩa “cam chịu”, “cam phận”, gợi liên tưởng đến cuộc sống đói nghèo, khổ cực. Thậm chí, còn có sự liên tưởng đến câu thành ngữ “Quýt làm cam chịu”, sợ bị đổ thừa, đổ tội oan.
Thịt vịt cũng là một món ăn “bất hạnh” bị đưa vào danh sách kiêng kỵ trong dịp Tết. Theo cách phát âm Hán Việt, con vịt đọc là “áp”, mà từ “áp” lại có nhiều từ đồng âm mang nghĩa tiêu cực như: đè nén, áp bức, bị dìm, co rút lại, chen chúc, mang nợ, bị áp giải… Vì vậy, nhiều người kiêng ăn thịt vịt vào đầu năm để tránh gặp phải những điều không may mắn trong công việc và cuộc sống. Thậm chí, một số người còn tránh ăn món này vì dáng đi lạch bạch, chậm chạp của con vịt, sợ một năm làm việc trì trệ, không suôn sẻ.
Ngoài ra, còn rất nhiều món ăn khác cũng bị “tẩy chay” oan uổng khỏi thực đơn ngày Tết chỉ vì tên gọi gợi liên tưởng đến những điều xui xẻo. Chẳng hạn như, nhiều người kiêng ăn mực (cá mực) vì sợ cả năm bị “đen như mực”; không ăn cá hố vì sợ bị “hố”, bị “sụp hầm” suốt năm; kiêng ăn “tôm” vì sợ năm mới mọi sự làm ăn không được hanh thông, phát đạt, cứ đi giật lùi như kiểu di chuyển của con tôm.
Cữ ăn trứng vịt lộn vì sợ mọi dự định, kế hoạch làm ăn trong năm mới sẽ bị đảo lộn. Hoặc con cá mè, chỉ vì từ “mè” gợi liên tưởng đến từ “mè nheo”, sợ cả năm sẽ bị hãm tài vì bị nhây, bị lầy, bị buộc phải nghe “nói nhiều và dai dẳng để nài xin, phàn nàn hoặc trách móc khiến người nghe khó chịu”.
Tóm lại, những tập quán và kiêng kỵ trong ẩm thực ngày Tết, dù có vẻ mê tín, nhưng đều xuất phát từ mong ước về một năm mới an lành, hạnh phúc, sung túc và may mắn của người Việt. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, những nét văn hóa truyền thống này vẫn được gìn giữ và lưu truyền, góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.