Vài Lời Chia Sẻ Thật Tâm Về Sách Self-Help Dành Cho Người Việt

Tôi là một người đọc sách, đọc rất nhiều và đủ các thể loại. Gần đây, tôi nhận thấy có nhiều ý kiến trái chiều về sách self-help. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ quan điểm cá nhân dựa trên trải nghiệm của mình để bạn đọc Việt Nam có cái nhìn khách quan hơn về thể loại sách này (và sách nói chung).

Một cuốn sách self-helpMột cuốn sách self-help

Sách Self-Help Là Gì? Tại Sao Lại Gọi Là “Tự Giúp”

Tại sao lại là Self-help (tự giúp) mà không phải Book-Help (sách giúp), Author-Help (tác giả giúp), hay God-Help (Chúa giúp)? Cái tên đã nói lên tất cả. Sự giúp đỡ (Help) ở đây đến từ chính BẢN THÂN BẠN (Self).

Sách chỉ là người dẫn đường, đưa ra hướng dẫn, còn người đi trên con đường đó chính là bạn.

  • Cùng một con đường, có người đi đến đích, có người đi vài bước đã bỏ cuộc, vậy lỗi là do con đường?
  • Cùng một hướng dẫn, có người thành công, có người thất bại, vậy lỗi là do hướng dẫn?

Khi ai đó đánh rơi chìa khóa xuống một cái lỗ và không thể lấy lên được, họ thường trách cái lỗ quá sâu thay vì trách tay mình ngắn. Đó là tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài. Thay vì thế, hãy xem lại bản thân mình đã thực sự cố gắng hết sức chưa.

Đọc Sách Self-Help Có Thực Sự Vô Tác Dụng?

Hãy nghĩ đến việc bạn đã học Toán suốt 12 năm đi học. Vậy bạn có giỏi Toán không? Chưa chắc!

Trong thời đại “mì ăn liền” ngày nay, nhiều người muốn có kết quả ngay lập tức và thiếu kiên nhẫn với những điều cần thời gian và công sức. Họ đọc lướt qua một cuốn sách và vội vàng phán xét mà chưa thực sự dành thời gian để thực hành những gì đã đọc.

  • Có phải ai đọc sách bóng đá của Cristiano Ronaldo xong cũng đá bóng giỏi như Ronaldo?
  • Ai đọc sách toán học của Ngô Bảo Châu xong cũng giải toán giỏi như Ngô Bảo Châu?
  • Ai đọc sách của Richard Branson cũng giàu có như Richard Branson?

Có thể một số ít người có thể giỏi hơn cả tác giả, nhưng phần lớn thì không. Tuy nhiên, chắc chắn rằng khi bạn đọc và hiểu, bạn sẽ giỏi hơn chính mình trước đó. Quan trọng là sự nỗ lực và áp dụng những kiến thức đó vào thực tế.

Nếu bạn đọc sách mà không thấy hiệu quả, hãy xem xét lại bản thân mình. Bạn đã thực sự làm theo hướng dẫn chưa? Bạn đã kiên trì đủ lâu chưa?

Tôi là một người làm công tác giảng dạy. Nhiều khi tôi hướng dẫn chi tiết cho sinh viên, nhưng vẫn có người không làm được, phải làm đi làm lại nhiều lần. Vậy thì, việc một người chưa làm đã vội kết luận “không hiệu quả” là điều dễ hiểu.

Trong Phật giáo có một câu chuyện:

Một hôm, nhà thơ Bạch Cư Dị hỏi thiền sư Đạo Lâm:

  • Xin hỏi thiền sư, thế nào là Phật pháp đại ý?

Thiền sư Đạo Lâm đáp:

  • Không làm việc ác, tích cực hành thiện.

Bạch Cư Dị ngạc nhiên vì tưởng thiền sư sẽ truyền giảng đạo lý cao siêu, ai ngờ lại chỉ là những lời tầm thường. Ông thất vọng nói:

  • Đạo lý ấy thì ngay cả đứa bé lên ba cũng biết rồi.

Thiền sư Đạo Lâm đáp trả:

  • Tuy đứa trẻ lên ba cũng biết, nhưng người già tám mươi tuổi cũng chưa chắc đã thực hiện được…

Một câu nói đơn giản như “Tránh làm điều ác, nên làm điều thiện” nhưng có bao nhiêu người thực sự làm được? Một câu nói thôi đã khó thực hiện, huống chi là cả một cuốn sách chứa đựng bao lời khuyên bổ ích. Vấn đề nằm ở việc biến kiến thức thành hành động.

Sách Self-Help Toàn Chiêu Trò, Thủ Thuật?

Đúng vậy, sách self-help chứa đựng những chiêu trò, thủ thuật được rút tỉa từ kinh nghiệm sống. Chính xác hơn, đó là những kỹ năng sống. Vì chúng ta sống, nên chúng ta cần những kỹ năng đó. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Trên đời này có gì không cần phải học?

  • Khi sinh ra, chẳng ai biết đọc, biết viết – thế nên chúng ta phải học đọc, học viết.
  • Khi sinh ra, chẳng ai biết hát, biết nhảy – thế nên chúng ta phải học hát, học nhảy.
  • Khi sinh ra, chẳng ai biết kinh doanh – thế nên chúng ta phải học kinh doanh.
  • Khi sinh ra, chẳng ai biết làm người – thế nên chúng ta phải học làm người.

Ví dụ như cuốn sách “Đắc Nhân Tâm”. Nhiều người cho rằng đó là những chiêu trò giả dối. Tôi nghĩ rằng những người chê bai thường là những người sống ích kỷ.

Để tôi giải thích:

Trong cuộc sống, bạn không sống một mình mà phải giao tiếp với người khác. Bản chất của mọi cuộc giao tiếp là một cuộc trao đổi, cho và nhận: thông tin, tình cảm,… Tuy nhiên, điều người này cho chưa chắc là điều người kia muốn nhận. Vì vậy, ông bà ta mới có câu “Của cho không bằng cách cho.” Bạn có “của”, nhưng cho làm sao cho đúng, cho khéo thì không đơn giản, bạn phải học về người khác, học về cách cho. Nếu bạn chỉ muốn cho người khác thứ bạn muốn (thay vì thứ họ thực sự cần), thì bạn chỉ là một người ích kỷ, suy nghĩ một chiều.

  • Một họa sĩ muốn thể hiện đúng ý tưởng của mình phải trải qua nhiều năm rèn luyện kỹ thuật để điều khiển nét bút, màu sắc, hình khối theo ý muốn.
  • Một tác giả muốn viết một cuốn tiểu thuyết truyền tải đúng thông điệp phải trải qua nhiều năm mài giũa để tìm cách thể hiện con chữ.
  • Một kỹ sư muốn tạo ra một sản phẩm đúng ý mình phải trải qua nhiều năm trau dồi tay nghề để nắm vững các thông số kỹ thuật, đặc tính sản phẩm.

Vậy bạn nghĩ rằng, một người muốn giao tiếp để đối phương hiểu đúng ý mình, mình hiểu đúng ý đối phương; hoặc một người muốn làm giàu, muốn self-help đúng với mong ước của mình chỉ cần đọc một cuốn sách là thay đổi ngay lập tức sao?

Không! Bạn phải thực hành theo sách cho đến khi nào bạn hiểu và làm chủ được những kiến thức mà tác giả chia sẻ. Hãy coi sách self-help như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp bạn phát triển bản thân và đạt được mục tiêu trong cuộc sống.

Vậy Có Nên Đọc Sách Self-Help Hay Không?

Điều quan trọng là bạn ĐỌC ĐỂ LÀM GÌ?

  • Khi còn đi học, nếu bạn muốn học Toán giỏi hơn thì bạn làm gì? Bạn đi học thêm với giáo viên dạy Toán.
  • Muốn vẽ đẹp hơn bạn sẽ làm gì? Bạn nhờ người vẽ giỏi hơn hướng dẫn.
  • Muốn chơi game giỏi hơn bạn làm gì? Bạn chơi cùng những người có level cao hơn.
  • Muốn rap hay hơn? Bạn tham gia các cuộc thi rap để học hỏi từ những rapper hàng đầu.

Tương tự, nhiều tác giả sách là những người đã thành thạo, xuất sắc trên con đường của họ. Sách là kinh nghiệm mà họ chia sẻ lại cho những người đi sau. Hãy lựa chọn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của bạn, từ những tác giả đáng tin cậy. Hãy tìm kiếm những tác giả có kinh nghiệm thực tế và được đánh giá cao trong lĩnh vực của họ.

Tại Sao Tôi Viết Bài Này?

Vì tôi nghe rất nhiều người CHÊ BAI sách self-help! Nhưng có bao nhiêu người trong số đó đã thực sự hiểu và thực hành theo chỉ dẫn của tác giả?

Cá nhân tôi đã đọc hàng nghìn cuốn sách (tôi không nói quá đâu, chỉ là chưa kiểm tra lại chính xác là bao nhiêu). Thật xấu hổ khi thú nhận rằng tôi làm theo được bao nhiêu cuốn? Không được một cuốn nào! Toàn đọc xong rồi để đó. Vì vậy, khi tôi chưa ứng dụng kiến thức đó, tôi sẽ không kết luận nó là đúng hay sai. Nhưng với những kiến thức mà tôi đã ứng dụng, tôi thấy hoàn toàn ĐÚNG và HIỆU QUẢ.

Không thể phủ nhận rằng trên thị trường có những cuốn self-help thực sự dở. Nhưng ngay cả trong những cuốn dở đó, bạn vẫn có thể học được điều gì đó (ví dụ như “dở như vậy mà vẫn in được sách thì cũng là giỏi rồi”). Và khi bạn ăn phải một món ăn dở, lần sau bạn sẽ biết cách chọn món ngon hơn.

CHÊ BAI thì rất dễ, nhưng HỌC HỎI thì rất khó. Mong rằng các bạn luôn tìm thấy những điều để học hỏi, ngay cả trong những việc mà bạn chê bai.