Nguồn gốc của nhạc Rap bắt nguồn từ nước Mỹ, cụ thể hơn là từ tầng lớp lao động nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội, thường được gọi là “Ghetto”. Họ thiếu tiếng nói và các quyền công dân cơ bản. Cuộc sống của họ gắn liền với nghèo đói, bạo lực, và thường kết thúc trong tù tội hoặc cái chết. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, âm nhạc và thể thao trở thành hai con đường duy nhất để họ có thể thoát ra, thu hút sự chú ý và cất lên tiếng nói của mình.
Vậy những Rapper là ai? Họ là những người xuất thân từ khu ổ chuột, có người từng cầm súng trước khi cầm micro (như Tupac), hay sử dụng chất kích thích (như Snoop Dogg). Họ là những con người ở đáy của xã hội. Do đó, chủ đề chính của Rap thường xoay quanh cuộc sống khó khăn, “Thug Life”. Họ hát về băng đảng, hận thù, bế tắc, cái chết và những mối tình đặc trưng của khu ổ chuột, như câu chuyện “Dilemma” của Nelly và Kelly Rowland.
Cốt lõi của dòng nhạc này là: tìm kiếm công lý trong bất công, tìm niềm vui trong khổ đau, tìm tương lai trong bế tắc, tìm sự chú ý trong sự ghẻ lạnh, và cuối cùng là tìm kiếm tự do. Họ có quyền tự do ngôn luận, nói lên tất cả những điều mà không ai có thể ngăn cản. Ví dụ, Eminem đã từng chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ trong “White America”, chửi Tổng thống Bush trong “Mosh”, hay chế giễu dòng nhạc teen pop trong “The Real Slim Shady”.
Trong những năm 1970, Rap/Hiphop thường bị coi là “thứ âm nhạc của lũ cặn bã”. Sự phản đối mạnh mẽ đến mức Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), dưới áp lực của hội đồng kiểm duyệt âm nhạc và xã hội, đã phải phát hành hệ thống tem cảnh báo “Parental Advisory Explicit Content” (Cảnh báo nội dung nhạy cảm). Hậu quả là nhiều cửa hàng băng đĩa đã loại bỏ nhạc Rap khỏi kệ hàng.
Tuy nhiên, Rap đã chứng minh sức sống mãnh liệt của mình. Bởi vì nó chứa đựng ước mơ của những người cùng khổ, những sự thật trần trụi, sự bất công và phân biệt giai cấp trong xã hội. Rõ ràng, Rap ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn những gì người ta thường nghĩ.
Theo thời gian, Rap đã dần khẳng định vị thế của mình. Các Rapper trên thế giới từng bước thoát ra khỏi bóng tối. Những ca khúc không chỉ còn là hận thù và bế tắc, mà còn chứa đựng hy vọng và ước mơ về một thế giới hòa bình, lên án chiến tranh. Từ đó, khái niệm “Rap sạch” đã ra đời.
Mục Lục
Phân Loại Rap
“Urban Music” có thể hiểu là dòng nhạc của “đường phố”. Nó bao gồm nhiều thể loại như R&B (Rhythm & Blues), Blues, Soul, Rap, Gospel, Funk… Riêng về Rap, nó lại được phân chia thành nhiều dòng khác nhau: Gangsta Rap, Funky, Smooth… nhưng tựu chung lại vẫn thuộc hai trường phái chính: Old School và New School.
-
Old School: Là trường phái cổ điển, đặc trưng của Hiphop Mỹ. Xuất hiện từ những ngày đầu của Rap. Dễ dàng nhận ra ở những điểm: nhịp beat đơn giản, ít hiệu ứng, flow không sử dụng nhiều kỹ thuật, ca từ và cách viết lyric chú trọng đến vần điệu. Snoop Dogg, 2Pac, Run DMC, Missy Elliott là những đại diện tiêu biểu của trường phái này.
-
New School: Là một biến thể mới, xuất hiện gần đây. Đây là ưu điểm nổi bật của Hiphop châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc). Beat phức tạp hơn, không chỉ là những nhịp loops đều đều mà thay đổi theo từng đoạn của bài hát. Sử dụng nhiều nhạc cụ nền hơn: violon, piano, harmonica… Flow nhanh, phức tạp, nhưng không quá chú trọng đến vần điệu trong lyric.
Beat Trong Nhạc Rap
Beat là yếu tố quan trọng nhất của một ca khúc Rap. Nhịp beat chính là nhịp bass và snare drum rất sâu và rõ ràng. Hoặc có thể hiểu đơn giản là những tiếng gõ cách cách đều đặn (2 tiếng/nhịp hoặc 4 tiếng/nhịp). Một tổ hợp nhịp bass/drum gọi là một loop và sự lặp đi lặp lại của loop sẽ tạo nên một beat hoàn chỉnh. Sau đó, có thể chèn thêm các tiếng Vilon (không phải violon), tiếng Steel bell (như trong “Pimp” của 50 Cent), tiếng Bell (như trong “Dilemma”)… một cách đơn giản và nhẹ nhàng.
Chính vì tính đơn giản của beat mà người ta có thể tạo beat bằng nhiều cách: dùng miệng (beatbox), bằng hai cây bút chì gõ lên bàn… Bè (backing vocals) trong Urban music thường rất đa dạng, miễn sao phù hợp với beat. Hết bè lại Rap, Rap chèn cả lên nền đoạn điệp khúc (chorus). Thậm chí còn chèn cả những đoạn hội thoại, tiếng chuông điện thoại, tiếng súng hay máy bay… vào.
Thế nhưng, chính sự đơn giản của beat lại tạo điều kiện cho các ca sĩ sáng tạo. Có thể hát (R&B), Rap… trên cùng một nền beat. Và mỗi người cảm nhận beat ấy khác nhau sẽ sáng tạo ra một ca khúc khác nhau. Chính vì thế, một ca khúc R&B quốc tế như “We Belong Together” của Mariah Carey, hay “Buttons” của Pussycat Dolls lại có rất nhiều phiên bản khác nhau.
Lyric Trong Nhạc Rap
Do đặc điểm của dòng nhạc này (nhất là văn hóa), R&B hay Rap đều không hạn chế ca từ. Có thể thoải mái chèn vào những từ đệm như: “yeah”, “com’on”, các từ ngữ thô tục… hoặc thậm chí là những đoạn hội thoại. Nội dung, ca từ không cầu kỳ kiểu trau chuốt như Pop, mà nó thật, rất thật với cuộc sống. Lyric Rap có thể thoải mái viết với tất cả những cảm xúc, nói về bất cứ vấn đề nào. Từ thể loại Gangsta, bạo lực… đến tình yêu, hòa bình, hy vọng, hay chỉ đơn giản là miêu tả những gì đang diễn ra trước mắt!
Đặc điểm thứ hai là vần điệu. Đó chính là cái hay và thể hiện đẳng cấp của một Rapper. Mỗi câu, mỗi chữ viết ra đều phải đảm bảo có vần, càng ấn tượng càng làm người nghe nhớ lâu. Đấy chính là nguyên nhân Eminem, Snoop Dogg, 50 Cent nổi tiếng đến ngày nay. Lyric của họ rất hay dù flow đơn giản, không có gì quá phức tạp.
Rapper Là Ai?
Đây chính là yếu tố con người để tạo nên dòng nhạc này. Muốn Rap, muốn hát R&B thì điều đầu tiên là phải hiểu rõ bản chất của những dòng nhạc đó. Bởi ngoài yếu tố âm nhạc, nó còn gắn liền với yếu tố văn hóa và sắc tộc. Một ca khúc dù được đọc từ đầu đến cuối cũng không bao giờ trở thành Rap/R&B nếu không phù hợp với beat. Vài đoạn phiêu vớ vẩn không thể tạo nên một ca khúc R&B. Bởi trong khi R&B đòi hỏi một chất giọng tốt thật sự thì Rap lại đặt khả năng sáng tác lyric và sáng tạo trong flow lên hàng đầu.
Bạn có thể hát giai điệu của người khác, nhưng không thể nhờ người khác viết lời Rap. Đó là một việc chưa bao giờ xảy ra với một Rapper thực thụ. Một ca sĩ sẽ không bao giờ là Rapper nếu không biết sáng tác và không biết flow, chứ chưa nói đến việc tìm ra một style flow cho riêng mình. Bởi cảm beat và viết lyric chính là những tố chất tối thiểu của một Rapper. Nó cũng như trò chơi với những con chữ vậy. Không phải cứ viết bừa, cứ đọc ào ào là xong. Viết lyric cho Rap cần phải có vốn sống, có cảm xúc và có cách nhìn thế giới quan theo con mắt của riêng mình. Cá tính, có thể gói gọn trong hai chữ đó. Và hãy Rap, hãy hát thật tự nhiên với tất cả những cảm xúc thật khi mình viết nên chúng.
Một điều thú vị là không có trường lớp nào đào tạo ca sĩ R&B hay Rapper. Nơi duy nhất để họ có thể trưởng thành hơn là những “battle” với bạn bè. Bạn đồng hành của Rapper là cây bút và quyển sổ để ghi lại những đoạn flow bất chợt đầy ngẫu hứng, rồi từ đó sẽ phát triển thành một ca khúc hoàn chỉnh. Họ viết về niềm vui, về cuộc sống, tình yêu, nỗi buồn hay chỉ đơn giản là những gì mình đã trải qua. Các Rapper đã dần hoàn thiện mình như thế!
Một Số Thuật Ngữ Cơ Bản Trong Rap
Flow: Có thể hiểu đơn giản là cách thể hiện nhịp “chảy” của Rap. Ngắt nghỉ hợp lý, có điểm nhấn để tạo ra cảm giác “liền mạch” để người nghe cảm thấy không bị hụt hẫng và cảm nhận được cái nhịp hay cảm xúc của Rapper. Mỗi người sẽ có một cách flow riêng và không thể bắt chước người khác bởi cảm nhận, kỹ năng của mỗi người là khác nhau. Trung bình một người tập Rap phải mất một thời gian khá dài để xây dựng flow cho riêng mình, dao động từ 1 đến 2 năm tùy khả năng! Thế nhưng, nếu không hiểu và không tìm hiểu kỹ, sẽ dẫn đến tình trạng Rap như R.a.p (read a poem), tức đọc thơ hay một bài vè hài hước.
Twist: Kỹ năng thay đổi nhịp đột ngột, tăng tốc ở một nhóm từ hay một vài câu trong ca khúc. Có thể nhanh đến nỗi người nghe không thể nghe ra ca từ, nhưng vẫn phải đảm bảo đó là một câu có nghĩa chứ không phải là ăn gian bằng một câu tối nghĩa hoặc vô nghĩa!
Battle: Là một phần quan trọng của thế giới Rap, là môi trường để các Rapper trưởng thành hơn. Thường trong các party, họ sẽ phải tự ứng khẩu ngẫu hứng đối đáp nhau, hoặc cùng flow một đoạn đã được định sẵn trên nền beat bất kỳ do DJ thể hiện!
Kết Luận
Trong một thời gian dài, chúng ta đã có cái nhìn không mấy thiện cảm về Rap Việt chỉ vì một lý do duy nhất: nó không phù hợp với văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, những ca khúc Rap trước đây hầu hết đều có xuất xứ từ hải ngoại, được trình bày bởi một vài cá nhân bị xem là có nội dung và suy nghĩ không phù hợp. Và nhiều người đã lầm tưởng rằng: Rap là phải chửi. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Chửi hay không chỉ là một cách thể hiện và tùy thuộc vào người Rap. Nếu cố gượng ép, mang những từ ngữ cộc cằn thô thiển vào cho ra vẻ “ghetto” thì sẽ hoàn toàn phản tác dụng. Chửi, ai cũng chửi được. Nhưng để viết Rap thì phải có tâm hồn, có cảm xúc mới viết được. Chính vì thế, hãy nhìn nhận Rap như một dòng nhạc thực sự!