Giải Mã Triết Lý Sâu Sắc Ẩn Sau Tựa Game Undertale

Nhân một ngày đẹp trời, chúng ta hãy cùng nhau bàn luận về một tựa game tuy không mới nhưng mỗi khi nhắc đến lại khiến bao người bồi hồi: Undertale. Bài viết này sẽ không đi sâu vào gameplay độc đáo, dàn nhân vật kỳ lạ hay những yếu tố hack não mà ai cũng đã biết. Thay vào đó, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích cách Undertale truyền tải những giá trị đạo đức một cách đầy nghệ thuật và sâu sắc.

Về phương thức dẫn dắt, có thể nói Toby Fox, “phù thủy” tạo ra Undertale, đã vận dụng hiệu quả khái niệm “nguyên tự sự – metanarrative” vào câu chuyện. Nguyên tự sự là một phương thức được sử dụng trong các tác phẩm hậu hiện đại, ở đây, nó là cách dẫn dắt khiến người chơi luôn tự hỏi về bản chất thực sự của game và vai trò của mình trong đó. Undertale không phải là tựa game đầu tiên sử dụng cách thức “người chơi game hay game chơi người?”, nhưng điều khiến nó trở nên đặc biệt chính là việc nó liên tục khiến chúng ta phải trăn trở về những vấn đề mang tính triết lý.

Trong các game thông thường, người chơi thường ở vị trí “bất khả xâm phạm”, với số phận được định đoạt sẵn (dù có nhiều lựa chọn), tạo cảm giác mình là chúa trời, là người quan sát và thưởng thức câu chuyện mà không hề can dự. Undertale đã đảo ngược điều này khi để một vài nhân vật “quan sát” và nhận thức được sự tồn tại của người chơi, dù chúng ta có reset game bao nhiêu lần. Họ thậm chí còn nhắc nhở chúng ta về những gì đã làm ở lần chơi trước, ảnh hưởng đến nội dung lần chơi này và tác động lên cả file cài game. Nó phá vỡ những khái niệm thông thường, tạo cảm giác về một thực thể thực sự tồn tại độc lập, dù game chỉ là những dòng code lập trình.

Undertale nhấn mạnh vào hành vi của người chơi, vào cách chúng ta chọn để giải quyết vấn đề và đối xử với các nhân vật. Việc bạn cảm thấy không bận lòng với những gì mình làm không có nghĩa là những hành động đó không mang đến hậu quả cho những nhân vật khác, thậm chí chính bạn. Đây là bài học nhân quả đầu tiên mà ta sẽ cảm nhận rõ khi chơi Undertale, đặc biệt nếu bạn chọn con đường Genocide – Kẻ diệt chủng.

Genocide – Nhân Quả Nghiệt Ngã Trong Undertale

Để tiếp tục phân tích, chúng ta sẽ cần đề cập đến một số nội dung cốt truyện, nhưng tôi tin rằng hầu hết các bạn đều đã chơi qua game rồi. Genocide, đúng như tên gọi, yêu cầu Frisk – nhân vật chính – phải giết sạch mọi quái vật trên đường đi. Ban đầu, đây có vẻ là cách dễ dàng nhất, khi bạn không cần phải suy nghĩ về cách đối xử với những con quái vật, không cần phải bận tâm làm vừa lòng chúng. Tuy nhiên, càng về sau, khi đã quen với việc chém giết, đối thủ sẽ càng mạnh hơn và tàn bạo hơn với bạn. Giống như chính bạn đã tạo ra kẻ thù cho mình.

Nhưng rốt cuộc bạn là ai? Thứ bạn nuôi dưỡng trong hành trình đó là gì? Đừng tưởng đó là Frisk, vì cái tên bạn thực sự đặt ở đầu game là Chara, đại diện cho bản thân bạn. Được kể là người đầu tiên rơi xuống thế giới quái vật, đứa trẻ đã mất cùng với hoàng tử của nơi này, nhưng thực tế, Chara đại diện cho bản ngã tàn ác trong mỗi chúng ta. Khi chọn con đường Genocide, bạn nuôi dưỡng Chara bằng sự tàn bạo nhẫn tâm, thứ mà bạn nghĩ là điểm kinh nghiệm (EXP) kỳ thực lại là điểm tàn sát (EXecution Points). Giết càng nhiều, chúng ta càng tước dần nhân tính của mình. Cuối con đường này, Chara sẽ tỉnh dậy và cho bạn biết rằng bạn chưa bao giờ nắm quyền kiểm soát cuộc chơi.

Chara là một phép ẩn dụ đầy biểu tượng. Đúng như nó nói, nó là sức mạnh, là “quyết tâm” (DETERMINATION) của bạn. Bạn đuổi theo điều gì thì đến cuối cùng chính nó sẽ đuổi theo bạn. Chúng ta những tưởng là người điều khiển sức mạnh, nhưng một khi sức mạnh vượt quá ngưỡng đạo đức, nó sẽ quay lại điều khiển chúng ta, như một con quỷ thực sự.

Ngay cả khi chúng ta muốn trốn tránh kết cục tàn nhẫn này bằng cách quay lại từ đầu, thì dù ở lần chơi sau ta có nhân từ đến đâu, bóng đen tội ác vẫn quay lại tìm bạn để trả giá với một kết cục còn thê thảm hơn.

Pacifist – Yêu Thương Không Phải Lúc Nào Cũng Dễ Dàng

Nếu Genocide route là bài học về nhân quả, thì Pacifist route lại mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đây chắc chắn là con đường khó khăn và tốn thời gian hơn, nhưng hoàn toàn xứng đáng khi ta chấp nhận đi đến cùng. Làm sao để chơi một game mà không giết một đối thủ nào hết? Câu trả lời vừa đơn giản vừa mang tính thách thức: thấu cảm họ.

Hãy xem xét những nhân vật mà ta gặp trong Undertale, ẩn sau vẻ ngoài quái dị là những tâm hồn đầy tổn thương. Đầu tiên, hãy kể đến kẻ thù mà chúng ta ngán ngẩm nhất: Undyne.

Đây rõ ràng là con boss khó nhằn và mạnh nhất game, một nhân vật không hề cho chúng ta cơ hội thấu cảm. Nếu các nhân vật khác có cái nhìn trung lập về Frisk khi gặp gỡ, thì Undyne ngay lần đầu tiên đã thể hiện rõ sự căm ghét và nhẫn tâm với con người. Thế nhưng, tất cả những quái vật khác tại Underground đều kính trọng Undyne, thậm chí xem cô như một vị anh hùng. Vậy rốt cuộc ta đã làm gì sai? Hãy nhớ lại lịch sử, con người đầu tiên đến đây chính là Chara, và rõ ràng người đó đã không để lại ấn tượng tốt đẹp gì tại thế giới này. Undyne, trong vai trò kỵ sĩ bảo vệ vương quốc, mang một niềm tin tuyệt đối vào mệnh lệnh của đức vua Asgore. Cô đại diện cho những người máy móc, không được cảm nhận tình yêu, và không thể tự tìm cho mình một niềm tin cụ thể.

Nói đến Asgore, tôi không thể không liên tưởng ông đến hình ảnh những người đàn ông tưởng chừng vững chãi nhưng lại vô cùng dễ đổ vỡ. Vua Asgore xuất hiện như một kẻ khao khát trả thù đến mù quáng, không chấp nhận tình yêu thương của bất cứ ai. Thực tế, ông đã phải chịu đựng những mất mát quá lớn khi cả con trai lẫn con nuôi ông yêu quý đều chết, người vợ của mình vì đau buồn mà bỏ đi. Ông trở nên ám ảnh với việc canh giữ “Kết giới” để không ai có thể phạm phải sai lầm như ông một lần nữa. Phương thức đầy bạo lực của Asgore giống như cách con nhím xù lông để bảo vệ bản thân trước thế giới. Ông không chọn yêu thương nữa vì yêu thương đã khiến ông tổn thương quá nhiều.

Còn rất nhiều nhân vật khác mà chúng ta sẽ gặp trong Undertale: một Toriel dịu dàng đầy tình mẹ nhưng cũng hà khắc với nỗi ám ảnh mất con, Papyrus ba hoa hào nhoáng nhưng che đậy nỗi cô đơn và khao khát được quan tâm, Sans khó hiểu và gần như ác độc nhưng lạc lối vì không biết mục đích sống của mình là gì… Đó là những góc khuất mà chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nếu không kiên nhẫn và đủ rộng lượng để thấu cảm. Phải chăng đó cũng chính là cách chúng ta hay nhìn nhận người khác trong cuộc sống? Cáu bẳn, xấu xa, tàn độc, ba hoa… là những bề nổi họ tạo nên như thứ vỏ bọc bảo vệ bản chất yếu đuối đầy những đau đớn bên trong.

Với Pacifist route, Frisk đóng vai trò dẫn dắt những linh hồn vụn vỡ đó đến với tình thương, bằng chính sự độ lượng và yêu thương ngược lại. Cái “kết giới” ngăn cách thế giới con người và quái vật, hay cuộc chiến giữa con người và quái vật, phải chăng chính là sự xung đột giữa con người với những người khác biệt hơn mình trong xã hội, những người mà chúng ta đã không dành cho họ sự thấu hiểu cần thiết?

Tôi thích cách Undertale gieo mầm những suy nghĩ đó vào lòng chúng ta, một cách đầy tự nhiên, không gượng ép. Tôi không nói rằng nếu bạn chọn cách hành xử tệ hại thì bạn là người xấu, nhưng rõ ràng Undertale có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo cả hai hướng. Nó khiến chúng ta phải nhìn lại những gì mình đã làm, nhìn nhận hậu quả của nó dù muốn hay không, dạy chúng ta cách độ lượng và mở lòng với cả những người chúng ta căm ghét để nhận thấy rằng họ cũng có những điều đáng mến mà chúng ta chưa từng nhìn thấy. Một lần nữa, Undertale đã chứng minh rằng game không chỉ đơn giản là giải trí, mà còn là một phương tiện để suy ngẫm và nhận thức.