Tại Sao Việc Hiểu Rõ Thuật Ngữ Hán Việt Quan Trọng Trong Dạy Toán Cho Trẻ?

Việc đồng hành cùng con học Toán, tôi nhận thấy một vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc: làm sao để trẻ thực sự hiểu bản chất của Toán học ngay từ đầu.

Ở đây, “bản chất” không phải là một cách nói cường điệu, mà là sự thật trong việc dạy Toán cho trẻ, đặc biệt là việc sử dụng thuật ngữ Hán Việt.

Ví dụ:

  1. Khái niệm:

Quy đồng mẫu số của nhiều phân số là biến đổi các phân số đó thành những phân số bằng chúng, nhưng có cùng mẫu số.

  1. Quy tắc quy đồng mẫu số:

Muốn quy đồng mẫu số của nhiều phân số với mẫu số dương, ta thực hiện như sau:

  • Bước 1: Tìm bội chung của các mẫu (thường là bội chung nhỏ nhất – BCNN – để làm mẫu chung).
  • Bước 2: Tìm thừa số phụ của mỗi mẫu (bằng cách chia mẫu chung cho từng mẫu).
  • Bước 3: Nhân cả tử và mẫu của mỗi phân số với thừa số phụ tương ứng.

Các từ ngữ quan trọng để dạy trẻ một phép Toán cơ bản lớp 4 đều là Hán Việt. Nếu không được giải thích cặn kẽ, những từ này sẽ trở nên xa lạ với trẻ, ví dụ như “bội”, “ước”, “phân”, “đồng”, “mẫu”, “tử”, “thừa”…

Tại sao tôi lại khẳng định những từ này xa lạ? Bởi vì nếu ta đặt câu hỏi “… là gì?” về những từ đó, ta vẫn có thể giải thích rõ hơn bằng tiếng Việt thuần. Ví dụ: “mẫu số là số phần bằng nhau mà một vật hoặc sự vật được chia thành, hoặc có vai trò là số chia.” Đó mới là bản chất của “mẫu số”. Trong khi đó, Wikipedia chỉ đơn giản gọi mẫu số là “số ở dưới của một phân số”, điều này khá mơ hồ.

Trong chương trình giáo dục, bài học chính thức đầu tiên về từ Hán Việt là trong môn Ngữ văn lớp 7. Nhưng trẻ đã phải sử dụng những từ “không thuần Việt” này ngay từ khi bước vào lớp 1, đặc biệt trong môn Toán.

Phần lớn phụ huynh hài lòng khi thấy con làm được bài tập trong chương trình tiểu học, mà không biết rằng đó chỉ là kỹ năng số học, luyện tập nhiều sẽ làm được, giống như tập luyện thể thao.

Được như vậy là nhờ Số học bản thân nó là một ngôn ngữ. Tuy nhiên, những khái niệm (cách gọi tên) kia, vốn là nền tảng vững chắc cho việc hiểu Toán chứ không phải trở thành “thợ Toán”, cần được dạy một cách nghiêm túc từ sớm để có nền tảng tốt trên con đường chinh phục môn khoa học này.

Tình trạng này sẽ còn tệ hơn khi học sinh lên các lớp cao hơn. Nhiều công thức quan trọng cần nhớ lại có thêm sự vay mượn từ tiếng Anh trong các chữ viết tắt. Chúng ta đã quen dùng “V” như thể tích, “h” là chiều cao, “A” là diện tích… trong khi chúng đơn giản chỉ là chữ cái đầu của “Volume”, “height” và “Area”. Điều này có thể gây khó khăn cho việc nắm bắt bản chất vấn đề nếu không hiểu rõ nguồn gốc.

Tôi đã tìm hiểu nhiều trung tâm dạy Toán hiện nay. Phần lớn vẫn chỉ giải quyết vấn đề kỹ năng giải bài, tính toán. Theo tôi, điều này không khác biệt nhiều so với 30 phút học tại nhà. Trong học tập, khi ta hiểu rõ vấn đề, ta không cần phải học thuộc lòng.

Tóm lại, việc làm rõ nghĩa các từ Hán Việt trong môn Toán ngay từ cấp tiểu học là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần đồng hành cùng nhà trường nếu muốn con trẻ không còn sợ Toán, tiến tới hiểu Toán. Và “hiểu” ở đây là nắm được bản chất ngay từ tên gọi, chứ không chỉ là việc tính ra đáp án.

Nguyễn Quang Đạo